|

Phạm Công Trứ với “Đại Việt sử ký Bản kỷ thực lục” và “Bản kỷ tục biên”

1 Leave a comment on paragraph 1 0 Phạm Công Trứ (1600 – 1675) người làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng. Ông đỗ tiến sĩ năm 1628 và giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong chính quyền Lê – Trịnh đời Lê Thần Tông (1649 – 1662) và Lê Huyền Tông (1663 – 1671). Năm 1665, khi được giao nhiệm vụ viết sử, Phạm Công Trứ đang giữ chức Tham tụng, Lại bộ thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu bảo Yến quận công. Cùng tham gia công việc biên soạn quốc sử với ông có Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Quốc Khôi, Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Bùi Đình Viên, Đào Công Chính, Ngô Khuê, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Công Bật, Nguyễn Viết Thứ, Vũ Duy Đoái.

2 Leave a comment on paragraph 2 0 Nhiệm vụ biên soạn của nhóm Phạm Công Trứ là:

3 Leave a comment on paragraph 3 0 “… khảo đính quốc sử từ họ Hồng Bàng cho đến kỷ Cung Hoàng (1522 – 1527), lại sai chép nối từ Trang Tông Dụ Hoàng Đế (1533 – 1548) đến khoảng niên hiệu Vạn Khánh (1662) đời Thần Tông Uyên Hoàng Đế (1649 – 1662)”.

4 Leave a comment on paragraph 4 0 (Quyển thủ, Tựa của Phạm Công Trứ, 3a).

5 Leave a comment on paragraph 5 0 Bộ sử của Phạm Công Trứ gồm 23 quyển, chép từ họ Hồng Bàng cho đến năm 1662. Trong lời tựa viết năm 1665, Phạm Công Trứ nói rõ cách viết và bố cục của bộ sử như sau :

6 Leave a comment on paragraph 6 0 “Lại, trích lấy từ họ Hồng Bàng đến Ngô sứ quân đề là Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, từ Đinh Tiên Hoàng đến Thái Tổ Cao Hoàng Đế quốc triều ta là Bản kỷ toàn thư, đều theo đúng như các sử thần trước là Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh đã trước thuật. Còn từ Thái Tông đến Cung Hoàng của quốc triều thì nhân theo sách trước đã chép, đề là Bản kỷ thực lục. Lai tham khảo sách Dã sử của Đăng Bính và lược lấy những sách sót của người đương thời dâng hiến để chép từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng Đế đến Thần Tông Uyên Hoàng Đế, thêm vào quốc sử gọi là Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”.

7 Leave a comment on paragraph 7 0 Như vậy, về mặt cấu trúc, Phạm Công Trứ vẫn giữ cách phân chia làm Ngoại kỷBản kỷ như Ngô Sĩ Liên, nhưng tiếp nhận quan điểm của Vũ Quỳnh chuyển ranh giới phân chia từ triều Ngô xuống triều Đinh. Riêng phần Bản kỷ, Phạm Công Trứ lại chia làm ba phần :

  • 8 Leave a comment on paragraph 8 0
  • Bản kỷ toàn thư từ Đinh Tiên Hoàng (968 – 979) đến Lê Thái Tổ (1428 – 1433).
  • Bản kỷ thực lục từ Lê Thái Tông (1434 – 1442) đến Cung Hoàng (1522 – 1527).
  • Bản kỷ tục biên từ Lê Trang Tông (1533 – 1548) đến Lê Thần Tông (1649 – 1662).

9 Leave a comment on paragraph 9 0 So với bản Chính Hòa 24 quyền, thì bộ sử của Phạm Công Trứ tương ứng với 23 quyền đầu (trừ quyển cuối cùng, quyền 19 Bản kỷ tục biên, sau này do Lê Hy viết thêm). Cấu trúc của Phạm Công Trứ với cách phân chia ranh giới giữa Ngoại kỷ và Bản kỷ, cùng với cách chia Bản kỷ làm ba phần như trên, cũng hoàn toàn được giữ lại trong bản Chính Hòa. Về mặt này, có thể nói Phạm Công Trứ là người đã kết thúc quá trình xây dựng và hoàn chỉnh cấu trúc của bộ quốc sử, tuy công việc biên soạn còn được tiếp tục với Lê Hy sau này.

10 Leave a comment on paragraph 10 0 Phần Ngoại kỷ toàn thưBản kỷ toàn thư, Phạm Công Trứ “đều theo đúng” như trước tác của Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh trước đây, tất nhiên là có “khảo đính” lại. Nói một cách rõ ràng hơn là Phạm Công Trứ đã “khảo đính” lại Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên trên cơ sở tham khảo thêm tác phẩm của Vũ Quỳnh là chính. Ngoài ra, ông có thể tham khảo một số tác phẩm khác, trong đó có Tổng luận của Lê Tung, Vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm được nhắc đến trong lời tựa của ông.

11 Leave a comment on paragraph 11 0 Phần biên soạn thêm của Phạm Công Trứ là hai phần sau: Bản kỷ thực lụcBản kỷ tục biên.

12 Leave a comment on paragraph 12 0 Phần Bản kỷ thực lục, Pham Công Trứ “nhân theo sách trước đã chép” và cũng như hai phần Toàn thư trên, ông tự xác định mình chỉ “khảo đính”, chứ không phải “chép tiếp” (tục biên) như phần Bản kỷ tục biên. Vậy Phạm Công Trứ đã dựa vào những bộ sử nào, của ai để “khảo đính” biên soạn thành Bản kỷ thực lục?

13 Leave a comment on paragraph 13 0 E. Gaspardone đã nêu lên vấn đề trên, nhưng cũng chỉ nhận xét tổng quát:

14 Leave a comment on paragraph 14 0 “Không còn nghi ngờ gì, các sử thần với chức năng của mình, đã chuẩn bị tư liệu, những đoạn trích của Phan Phu Tiên và Vũ Quỳnh (Ngô Sĩ Liên không còn được dẫn sau Lê Thái Tổ) nằm ngoài những bộ sử của họ mà còn được giữ lại trong Toàn thư cũng như một số đoạn của những bài ký hay văn bia, lời khen (tán), lời bàn (luận) vô danh được phụ thêm vào phần lớn các đời vua, chứng tỏ điều đó…”1.

15 Leave a comment on paragraph 15 0 Phần Bản kỷ thực lục của bản Chính Hòa, từ quyển 11 đến quyền 14, có 3 đoạn trích dẫn lời bàn (luận) và lời khen (tán) của Vũ Quỳnh, 3 đoạn trích dẫn lời bàn (luận) vô danh, 1 đoạn trích dẫn lời khen (tán) vô danh, 1 đoạn xét (án) bài Quang Thuận trung hưng ký và 9 đoạn xét (án) sách Hồng Thuận trị bình bảo phạmHồng Thuận trung hưng ký. Đó là những nguồn tư liệu mà Phạm Công Trứ đã tham khảo. Và dĩ nhiên, với tư cách là một bộ sử chính thống, Phạm Công Trứ trước hết dựa vào những tư liệu và những bộ sử của Quốc sử viện. Nhưng tất cả những hiểu biết đó vẫn chưa giải đáp được vấn đề Phạm Công Trứ khi viết “nhân theo sách trước đã chép” là muốn nói đến những sách nào. Quang Thuận trung hưng ký chép về việc phế bỏ Nghi Dân lập Lê Thánh Tông, Hồng Thuận trung hưng ký chép về việc phế bỏ Lê Uy Mục lập Lê Tương Dực, Hồng Thuận trị bình bảo phạm chép 50 điều huấn dụ của Lê Tương Dực. Phạm Công Trứ đã tham khảo những tác phẩm ấy, nhưng đó không phải là những bộ sử biên niên mà ông có thể “khảo đính” thành Bản kỷ thực lục của triều Lê.

16 Leave a comment on paragraph 16 0 Trần Kinh Hòa cũng khẳng định phần lịch sử đầu triều Lê từ Thái Tổ đến Cung Hoàng Đế do sử quan triều Lê biên soạn, “nhưng vì sử liệu không đủ nên không rõ người soạn và năm soạn”2.

17 Leave a comment on paragraph 17 0 Trần Văn Giáp cho rằng: “Bản kỷ q.11 – 18 là phần của Phạm Công Trứ và Hồ Sĩ Dương…”3. Đó là quan niệm khá phổ biến trước đây. Nhưng như vậy không phân biệt được phần Bản kỷ thực lục (q.11 – 14) do Phạm Công Trứ “khảo đính” lại những bộ sử có trước và phần Bản kỷ tục biên (q. 15 – 18) do ông “chép tiếp” (tục biên).

18 Leave a comment on paragraph 18 0 Gần đây, Võ Long Tê chứng minh Phạm Công Trứ đã dựa vào hai bộ sử của Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh để viết phần Bản kỷ thực lục4. Đây là một hướng giải quyết mới có cơ sở khoa học.

19 Leave a comment on paragraph 19 0 Lê Quý Đôn trong bài tựa sách Đại Việt thông sử, khi điểm lại lịch sử biên soạn quốc sử, có đoạn viết:

20 Leave a comment on paragraph 20 0 “Đến đời Hồng Đức, Tế tửu Ngô Sĩ Liên chép từ đời Thuận Thiên (1428 – 1433, niên hiệu của Lê Thái Tổ) đến đời Diên Ninh (1454 – 1459, niên hiệu của Lê Nhân Tông) làm Tam triều bản kỷ, kể việc cũng kỹ và có mối giường… Đến đời Hồng Thuận (1509 – 1516), thì Tổng tài Vũ Quỳnh mới chép từ đời Quang Thuận (1460 – 1469, niên hiệu của Lê Thánh Tông) đến đời Đoan Khánh (1505 – 1509, niên hiệu Lê Uy Mục) làm Tứ triều bản kỷ, sắc lệnh và điều lệ thì hơi đủ, còn công việc bổ dụng và sớ tấu của các quan thì còn sót nhiều”5.

21 Leave a comment on paragraph 21 0 Tài liệu rất quý của Lê Quý Đôn cho phép bổ sung thêm hoạt động của Quốc sử viện đời Lê sơ và những thành tựu đã được Phạm Công Trứ sử dụng khi viết quốc sử.

22 Leave a comment on paragraph 22 0 Ngoài ba công trình lớn là Đại Việt sử ký của Phan Phu Tiên, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh và những tác phẩm được sử sách ghi lại như Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, Vịnh sử thị tập của Đặng Minh Khiêm…, Quốc sử viện đời Lê còn ghi chép “nhật lịch”6 và viết “thực lục” của vương triều này. Ngô Sĩ Liên đã viết xong Tam triều bản kỷ gồm ba đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, từ năm 1428 đến năm 1459. Vũ Quỳnh viết tiếp Tứ triều bản kỷ, gồm bốn đời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, từ năm 1460 đến năm 1509. Như vậy là một bộ bản kỷ về triều Lê sơ đang được chuẩn bị, nhưng chưa hoàn thành. Có nhiều bằng chứng cho thấy Phạm Công Trứ đã dựa vào hai bộ sử trên để biên soạn phần Bản kỷ thực lục.

23 Leave a comment on paragraph 23 0 Những bộ quốc sử của Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh trước đây đều kết thúc vào năm quân Minh bị đuổi về nước (năm 1427) hay Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428), Phạm Công Trứ “khảo đính” Tam triều bản kỷ của Ngô Sĩ Liên viết tiếp ba đời vua Lê đầu tiên (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông). Đó là một phần quyển 10 và toàn bộ quyển 11 của bản Chính Hòa.

24 Leave a comment on paragraph 24 0 Như vậy, quyển 10 là kết quả biên soạn, chỉnh lý của nhiều người : phần từ năm 1427 về trước là của Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ; phần từ năm 1428 trở đi (Lê Thái Tổ) là của Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, trong đó công việc biên soạn của Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên là cơ sở đầu tiên. Bản Chính Hòa còn ghi lại một lời “án” đáng lưu ý :

25 Leave a comment on paragraph 25 0 “Xét Toàn thư, lấy từ năm Giáp Ngọ (1414) đến Đinh Mùi (1427) là thuộc Minh… Nay chép theo sách Việt giám, nhưng không dám không chép Toàn thư để bị khảo”.

26 Leave a comment on paragraph 26 0 (BK10, 54b)

27 Leave a comment on paragraph 27 0 Việt giám ở đây là Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh. Phạm Công Trứ lại một lần nữa theo quan điểm của Vũ Quỳnh điều chỉnh lại cách phân chia các giai đoạn lịch sử gọi là “kỷ”. “Kỷ thuộc Minh” trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên tính từ năm 1414 (sau “kỷ Nhà hậu Trần”, 1407 – 1413) đến năm 1427, nay chấm dứt vào năm 1417, trước khi Lê Lợi khởi nghĩa. Tiếp theo đó là “kỷ Lê hoàng triều” từ năm 1418 đến năm 1433, bao gồm cả 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn và triều Lê Thái Tổ. Quyển 10 trước chấm dứt ở năm 1427 (hay 1428) thì nay được kéo dài cho đến năm 14337.

28 Leave a comment on paragraph 28 0 Quyển 11 bao gồm hai đời vua Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Trong bản Chính Hòa, đầu quyển 11 có ghi rõ tác giả như quyển 1 Ngoại kỷ: “Triều liệt đại phu Quốc tử giám tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn thần Ngô Sĩ Liên biên”. E. Gaspardone đã chú ý đến hiện tượng này, nhưng ở quyển 11 thì tỏ ý nghi ngờ là do khắc nhầm8. Có lẽ cùng chung ý nghĩ như vậy, nên bản dịch cũ của chúng ta cũng đã bỏ câu đó trên phần đầu quyển 119. Thực ra, Phạm Công Trứ (và sau đó, Lê Hy) ghi tác giả quyển 11 là Ngô Sĩ Liên, là hoàn toàn có ý thức và có cơ sở khoa học của nó. Có lẽ Phạm Công Trứ đã đưa nguyên Tam triều bản kỷ của Ngô Sĩ Liên vào bộ sử của mình, hầu như không phải chỉnh lý hoặc không phải chỉnh lý bao nhiêu, nên vẫn ghi nhận quyển 11 như do Ngô Sĩ Liên biên soạn. Đấy cũng là một chứng cứ khoa học quan trọng xác nhận Phạm Công Trứ đã sử dụng Tam triều bản kỷ của Ngô Sĩ Liên trong khi biên soạn phần Bản kỷ thực lục. Còn quyển 10 tuy có sử dụng một phần Tam triều bản kỷ (phần về Lê Thái Tổ), nhưng phần đầu của quyển này (1418 – 1427) lại do nhiều người nối nhau biên soạn và sửa chữa, nên không thể coi là trước tác của Ngô Sĩ Liên.

29 Leave a comment on paragraph 29 0 Qua Tam triều bản kỷ, chúng ta phải ghi nhận thêm một đóng góp nữa của Ngô Sĩ Liên vào công trình biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

30 Leave a comment on paragraph 30 0 Nội dung Tứ triều bản kỷ của Vũ Quỳnh tương ứng với các quyển 12, 13, 14 của bản Chính Hòa. Hiện nay tôi chưa tìm thấy bằng cứ trực tiếp chứng tỏ Phạm Công Trứ đã dựa vào Tứ triều bản kỷ khi soạn ba quyển trên. Nhưng trong bản Chính Hòa, quyền 13 còn ghi lại một đoạn lời bàn của “sử thần Vũ Quỳnh” và quyển 14, một đoạn lời khen của Vũ Quỳnh. Điều đó cho thấy Phạm Công Trứ có sử dụng tư liệu của Vũ Quỳnh khi viết những quyển này. Mà theo lời tựa của Phạm Công Trứ thì ông không phải chỉ dựa vào những tư liệu rời rạc, mà “theo sách trước đã chép” để soạn những quyển này cũng như cả phần Bản kỷ thực lục. Trong số những “sách trước đã chép” ấy, có thể có Tứ triều bản kỷ của Vũ Quỳnh. Nhưng, như Lê Quý Đôn đã nhận xét, bộ sử này của Vũ Quỳnh còn nhiều thiếu sót, nên trong công việc “khảo đính” hẳn Phạm Công Trứ phải gia công nhiều hơn so với bộ sử của Ngô Sĩ Liên. Phải chăng đó là lý do để Phạm Công Trứ không đề tên Vũ Quỳnh là tác giả ba quyền 12, 13, 14. Hơn nữa, trong Đại Việt sử ký toàn thư, đề tên tác giả từng phần là trường hợp đặc biệt, chỉ mới thấy đối với Ngoại kỷ quyển 1 và Bản kỷ quyển 11.

31 Leave a comment on paragraph 31 0 Quyển cuối cùng của phần Bản kỷ thực lục là quyển 15 bao gồm các đời Lê Tương Dực, Lê Cung Hoàng và đầu đời Mạc, từ năm 1510 đến năm 1532. Không rõ Phạm Công Trứ có dựa vào một cuốn sử nào đó để viết phần này hay không, chỉ biết rằng, qua bản Chính Hòa, ngoài những lời bàn khuyết danh, ông đã dẫn những bài ký của Đỗ Nhạc, Nguyễn Văn Thái, Vũ Duệ, trích dẫn lời của Lệnh Vọng, Đăng Bính10. Đó có thể là những tác phẩm Phạm Công Trứ đã sử dụng để viết quyển 11.

32 Leave a comment on paragraph 32 0 Phần Bản kỷ tục biên từ Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông tương ứng với những quyển 16, 17, 18 của bản Chính Hòa. Phần này lần đầu tiên do Phạm Công Trứ biên soạn trên cơ sở tham khảo cuốn Dã sử của Đăng Bính và những tư liệu thu thập được lúc bấy giờ.

33 Leave a comment on paragraph 33 0 Với công trình biên soạn của nhóm Phạm Công Trứ, bộ quốc sử đã được kéo dài cho đến năm 1662. Có một vấn đề chưa rõ là tên bộ quốc sử, Phạm Công Trứ vẫn giữ nguyên tên Đại Việt sử ký toàn thư hay có thay đổi gì. Trong bản Chính Hòa, bài tựa của ông mang đầu đề là “Đại Việt sứ ký tục biên thư”. Phan Huy Chú lại ghi tên bộ sử của ông là Việt sử toàn thư bản kỷ tục biên 11. Trong bài tựa, Phạm Công Trứ phân biệt rõ ràng 4 phần: Ngoại kỷ toàn thư, Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, Bản kỷ tục biên.

34 Leave a comment on paragraph 34 0 Bài Tựa Đại Việt sử ký tục biên của nhóm Lê Hy cho biết bộ sử của Phạm Công Trứ đã được:

35 Leave a comment on paragraph 35 0 “…giao cho khắc in, mười phần mới được chừng năm, sáu; nhưng công việc chưa xong, sách còn cất giữ ở Bí các”.

36 Leave a comment on paragraph 36 0 (Quyển thủ, 1a)

37 Leave a comment on paragraph 37 0 Đó là bộ quốc sử đầu tiên được khắc in, nhưng mới chỉ được chừng một nửa.

38 Leave a comment on paragraph 38 0 Gần đây, nhà nghiên cứu Hán – Nôm Ngô Thế Long tìm thấy trong thư viện riêng của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên cuốn sách Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên gồm quyển 20 (23 tờ) viết về triều vua Lê Kính Tông (1600 – 1619) và quyển 21 (26 tờ, trong đó có tờ 18 của quyển 22) viết về triều vua Lê Thần Tông (giai đoạn làm vua thứ nhất, 1620 – 1643). Bản in ván gỗ, đã ngả màu và bị mủn nát, mất một số chữ ở lề dưới. Khổ giấy 17x28cm, khung in 14x2cm, mỗi mặt 9 dòng, mỗi dòng 18 chữ. Theo kết quả giám định của Ngô Thế Long, đây là một phần còn lại của bộ sử do Phạm Công Trứ biên soạn và khắc in năm 166512.

39 Leave a comment on paragraph 39 0 Hai quyển trên tương ứng với quyển 18 (Kính Tông, Thần Tông lần thứ nhất, Chân Tông và Thần Tông lần thứ hai) phần Bản kỷ tục biên trong Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm Lê Hy hoàn thành và khắc in năm Chính Hòa 18 (1697). Như vậy bộ sử của Phạm Công Trứ gồm 23 quyển với sự phân chia các quyển có khác với bản Chính Hòa. Văn bản mới phát hiện này đem so sánh, đối chiếu với bản Chính Hòa cho thấy bản Phạm Công Trứ phong phú và có nhiều sử liệu mà sau này, khi biên tập lại, Lê Hy đã lược bỏ.

40 Leave a comment on paragraph 40 0 Đóng góp của Phạm Công Trứ và những người cộng sự của ông trong quá trình biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư hoàn thành vào năm 1697, có thể tóm tắt như sau :

  • 41 Leave a comment on paragraph 41 0
  • Hoàn chỉnh cấu trúc của bộ sử bằng cách phân chia phần Bản kỷ làm 3 phần: Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, Bản kỷ tục biên và xác định lại ranh giới các phần, các quyển.
  • Hiệu đính bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, chỉnh lý và viết tiếp đoạn cuối quyển 10 và 5 quyển phần Bản kỷ thực lục, viết mới phần Bản kỷ tục biên 3 quyền.
  • Bổ sung thêm phàm lệ Tục biên và chú giải phàm lệ Toàn thư của Ngô Sĩ Liên.
  • Viết thêm bài Tựa sách Đại Việt sử ký tục biên.

42 Leave a comment on paragraph 42 0 ⇡ 1 E. Gaspardone, Bibliographie annamie, đd, tr.60.

43 Leave a comment on paragraph 43 0 ⇡ 2 Trần Kinh Hòa, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ soạn tu dữ truyền bản, đd.

44 Leave a comment on paragraph 44 0 ⇡ 3 Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán – Nôm, đd, t.1, tr.87.

45 Leave a comment on paragraph 45 0 ⇡ 4 Đại Việt sử ký toàn thư, đd, t.1, tr.34 – 37.

46 Leave a comment on paragraph 46 0 ⇡ 5 Lê Quý Đôn, Toàn tập, đd, t.3, tr.20 – 21.

47 Leave a comment on paragraph 47 0 ⇡ 6 Toàn thư còn chép lại câu chuyện Lê Thánh Tông đòi xem “nhật lịch” từ năm Quang Thuận thứ 1 đến thứ 8, nhưng sử quan Lê Nghĩa không bằng lòng. Lê Quý Đôn khen: “Bấy giờ kén chọn sử quan rất cẩn trọng như Lê Nghĩa chép thẳng giữ ngay, có khí tiết như cổ nhân” (Toàn tập, t.3, tr.20 – 21).

48 Leave a comment on paragraph 48 0 ⇡ 7 Trong bản Chính Hòa, q.10 thuộc phần Bản kỷ toàn thư, đúng như lời tựa của Phạm Công Trứ “từ Đinh Tiên Hoàng đến Thái Tổ Cao Hoàng Đế quốc triều ta là Bản kỷ toàn thư“. Vì vậy,
tôi cho rằng Phạm Công Trứ chứ không phải Lê Hy đã điều chỉnh lại phạm vì và cách chia
các kỷ của quyển 10.

49 Leave a comment on paragraph 49 0 ⇡ 8 E. Gaspardone, Bibliographie annamile, đd, tr.54.

50 Leave a comment on paragraph 50 0 ⇡ 9 Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1968, tr.79.

51 Leave a comment on paragraph 51 0 ⇡ 10 Đỗ Nhạc: vốn tên là Nhân, người làng Lại Ốc, huyện Văn Giang, nay là huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng. Ông đỗ tiến sĩ năm 1493, đời Tương Dực, giữ chức Thượng thư Đông các đại học sĩ, Tán lý quân vụ. Năm 1511 ông làm bài ký khắc vào bia tiến sĩ.
Vũ Duệ: vốn tên là Vũ Nghĩa Chỉ, người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Ông đỗ trạng nguyên năm 1490, làm quan đến Thiếu bảo Thượng thư đời Lê Chiêu Tông.
Lệnh Vọng: E.Gaspardone đoán là Tống Lệnh Vọng, người làng Nghinh Lạp, huyện Đông Lan, phủ Đoan Hùng, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú (Bibliographie annamite, đd, tr.61).
Đăng Bính: chưa rõ tiểu sử, nhưng trong lời tựa, Phạm Công Trứ có nói đến cuốn Dã sử của Đăng Bính.

52 Leave a comment on paragraph 52 0 ⇡ 11 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, đd, t.4, tr.48.

53 Leave a comment on paragraph 53 0 ⇡ 12 Ngô Thế long, Về bản Đại Việt sử ký toàn thư, in ván gỗ, của Phạm Công Trứ, mới tìm thấy, Nghiên cứu Hán – Nôm, 1-1988, tr.3 – 8.

Page 11

Source: https://www.dvsktt.com/dai-viet-su-ky-toan-thu/phien-ban-alpha-tieng-viet-1993/dai-viet-su-ky-toan-thu-tac-gia-van-ban-tac-pham-phan-huy-le/i-qua-trinh-bien-soan-va-tac-gia/pham-cong-tru-voi-dai-viet-ban-ky-thuc-luc-va-ban-ky-tuc-bien/